Mượn mặt trái của kỳ thủ để tự cảnh giác bản thân KỲ VƯƠNG BỐN TỈNH ĐỔNG VĂN UYÊN KỲ NGHỆ THẬT CAO NHƯNG PHẨM HẠNH THẤP ( Lược dịch từ nguồn gdchess. Tác giả Từ Thanh Tường )
Trong lịch sử cận đại làng cờ tướng TQ, người ta không thể không nhắc đến kỳ vương bốn tỉnh Đổng Văn Uyên, đó là một kỳ thủ khét tiếng sau Chu Đức Dũ, đã xưng hùng xưng bá suốt một thời gian dài tại Thuợng Hải và Hồng Kông trong thập niên 30, 40 thế kỷ truớc.
Cuối Thập niên 50 ông còn là tuyển thủ cờ vây đại diện TQ nghênh chiến đội Nhật . Năm 1964 ông giành được hạng 5 trong giải cờ vây toàn quốc , nhưng sau đó nguời ta không còn nghe gì về ông ta nữa là vì phẩm hạnh tồi tệ đã khiến ông tự đánh mất hết tất cả….
1.Khí Thế Bá Vương Của Kỳ Vương Bốn Tỉnh Đổng Văn Uyên:
Đổng Văn Uyên sanh năm 1918 tại Hàng Châu, cha là Đổng Á Lâm, nguyên nghề nông , sau lánh thiên tai từ Chiết Giang sang Hàng Châu. Sau vài năm làm lụng vất vả dành dụm đuợc ít vốn đã hợp tác với người ta mở tiệm làm đồng. Đổng tỏ ra có thiên phú cao về cờ ngay từ nhỏ. Lúc 10 tuổi học nghề đồng trong tiệm của cha, giờ rỗi thì đánh cờ cùng hàng xóm; 12 tuổi theo học cờ thầy Râu Bạc Phan Tuyển Tử, chỉ hai năm tài nghệ đã vượt hơn thầy; sau theo học thêm nơi thầy Quan Xuân Lâm trong một một thời gian ngắn và kỳ nghệ càng lên. Năm 16 tuổi đã lên đánh cờ trên kỳ lầu Hỷ Vũ Đài. Đổng học cờ tướng trước rồi sau chơi thêm cờ vây, nhờ sáng dạ nên tiến bộ thần tốc , chẳng bao lâu sau đã đánh ngang ngửa với các danh thủ Thái Á Phúc, Từ Xuân Toàn, Lý Gia Xuân v.v…
Sở dĩ cờ của Đổng đã sớm vượt qua ranh giới tỉnh và tiến quân sang Hồng Kông là nhờ sự giúp đỡ của nhà doanh nghiệp Trương Đạm Như( em ruột Trương Tịnh Giang, chủ tịch tỉnh Chiết Giang lúc đó ). Trương là đại gia thường lui tới làm ăn ở hai địa hạt Hàn Châu và Thuợng Hải nên có nhiều dịp lên đánh cờ trên Hỷ Vũ Đài, nơi nhiều danh thủ đương thời tụ họp kiếm sống. Trương thích cờ vây, thường đánh với Lý Hữu Tam hoặc Quan Xuân Lâm trong ” Ngũ Hổ”. Ông hay cầm quân trắng, một biểu hiện kỳ nghệ cao hơn đối thủ và ưa để thua cờ tỏ sự rộng rãi trong việc chung tiền độ.
Một hôm Trương lên Hỷ Vũ Đài nghe nói có một thiếu niên giỏi cờ nên tìm đến, Trương chấp Đổng ba quân, kết quả thua ba ván. Vì là cờ chấp nên Trương thua cũng chẳng bận tâm còn Đổng thì mừng lắm vì có tiền vô túi. Sau đó có người bảo Đổng rằng Trương là Đại gia, nên gìn giữ phép tắc lịch sự khi giao tiếp. Lại một hôm Trương dợt cờ vây với Đổng, sau ván cờ Đổng lễ phép thưa với Trương : – Thưa ông chủ, con có thể hầu ông chủ một vấn cờ tướng trong tương lai không? Trương cho người đi tìm hiểu về trình độ cờ tướng của Đổng, thấy thằng nhỏ rất có thiên tư cờ cao nên khởi tâm nâng đỡ tài năng trẻ. Trương Đạm Như biết Đổng đã học đến tiểu học lớp 5, nên tặng cho cây viết máy Parker, $20 tiền mặt và một quyển “Từ Điển Cờ Vây” tiếng Nhật, hy vọng Đổng siêng năng luyện chữ và sau này có dịp sẽ dẫn Đổng đi giang hồ hải ngoại.
Mùa thu năm 1936, Hàn Châu tổ chức giải cờ toàn Thị, mời các danh thủ trong “Ngũ Hổ Nhất Báo” và hai kỳ thủ mới là Lưu Ức Từ và Đổng Văn Uyên tham dự. Kết quả Đổng đứng nhất, Lưu về nhì. Từ đó Đổng trở thành ngôi sao mới của làng cờ Giang Nam.
Mùa Xuân 1937, hội Thanh Niên đạo Thiên Chúa Hàn Châu đứng ra tổ chức giải “Danh Thủ khu vực bốn tỉnh Hoa Đông” gồm các danh thủ lừng danh thời bấy giờ, là Giang Tô Đậu Quốc Trụ, Sơn Đông Thiệu Thứ Minh, Phúc Kiến Liên Học Chính và Chiết Giang Đổng Văn Uyên. Trong giải này Hội mời kỳ đàng tư lệnh Tạ Hiệp Tốn về dự với tư cách là quan khách danh dự; vé vào cửa 2 cắc và treo bàn cờ lớn thuyết minh. Và một lần nữa Đổng cho thấy thực lực phi phàm , đã giựt cúp Vô Địch một cách vẻ vang, từ đó được tôn lên là ” kỳ vương bốn tỉnh” !
Lúc chưa thành danh, Đổng hay đánh độ ở quán trà Thiên Thiềm Thượng Hải, vì tuổi trẻ sáng dạ, kỳ phong sắc bén, nước cờ quỷ dị và thường có những diệu thủ xuất quỷ nhập thần khiến nguời ta khó chống đỡ nên có biệt danh là “Tiểu Hàn Châu” cùng “Tiểu Thế Đầu”(Cạo đầu) Lâm Vinh Hưng , “Tiểu Sát Tinh” Diệp Cảnh Hoa và “Tiểu Hồ Bắc” Lôi Hải Sơn hợp xưng là ” Tứ Tiểu” của làng cờ Thuợng Hải. Từ đó Đổng lấy cờ làm nghề sinh nhai của mình.
Năm 1939 Trương Đạm Như cho nguời đến Thượng Hải đón Đổng Văn Uyên về Hồng Kông để đánh giải “Lục Vương”. Lục vương tức sáu danh thủ gồm Chu Đức Dũ, Chung Trân, Tô Thiên Hồng, Lô Huy, Phương Thiệu Khâm và Đổng Văn Uyên. Giải đuợc tổ chức bởi đại gia Trương Đạm Như , gồm một Cúp vàng bự và 100 đồng tiền thưởng, dụng ý chính của ông là để Đổng Văn Uyên có dịp khiêu chiến với Chu Đức Dũ. Kết quả Chu đứng nhất, Đổng về nhì.
Chẳng bao lâu sau Trương lại bảo trợ “Tam Vương Bôi” gồm một Khánh vàng thuần độ 24 k , chỉ mời Chu Đức Dũ, Đổng Văn Uyên và Chung Trân dự giải. Đấu theo thể chế đơn tuần hoàn, mỗi người phân tiên đánh với hai đấu thủ kia hai ván, điểm tích lũy người cao nhất sẽ đoạt giải.
Sau khi bắt thăm Đổng đụng Chung và thắng cả hai ván. Trước tình hình bất lợi Chu Đức Dũ không chịu thi đấu tiếp với lý do là Đổng đã bỏ tiền mua chuộc Chung (thua Đổng hai ván dễ dàng), rồi để khi đụng Chu , Chung sẽ đánh hết mình để tạo điều kiện cho Đổng đoạt giải ( Trình độ Chung Trân một tám một mười với Chu). Mặc dầu Chu không có bằng chứng rõ ràng, nhưng với “phong khí ” bán độ thời bấy giờ chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra. Việc tẩy chay của Chu đã khiến giới hâm mộ cờ giận dữ, họ tụ tập trước nhà hàng Văn Viên la lối đòi trả lại tiền vé , ban tổ chức điên đầu không biết phải xử lý thế nào. Truớc tình cảnh vô cùng hỗn loạn này, Đổng thách thức Chu : – Ông bảo là tôi mua độ , thế hai ván thắng Chung tôi không kể, Ông dám đánh riêng với tôi 10 ván để phân cao thấp không?
Chu là danh thủ hàng đầu bấy giờ ở HK, ngoài việc lo chuyên mục cờ tướng trên các báo Hoa văn, ông còn mở lớp dạy cờ tướng cho lớp trẻ. Quyển sách 48 pháp khai cuộc của Chu Đức Dũ rất đuợc phổ biến và nhiều nguời ưa thích. Với tiếng tăm, kinh nghiệm, kỳ nghệ đang ở đỉnh cao không lý do nào Chu từ chối cơ hội giựt Khánh vàng nên đồng ý ngay.
Chẳng biết là cờ Đổng đang trong giai đoạn tuổi trẻ nhuệ khí ngút trời hay là cái khí thế bá vương của Chu đã không còn , hoặc có thể là Chu đang “thiếu thuốc” ( hút á phiện) nên ngày đầu Chu thua liền hai ván, hôm sau lại thua thêm hai ván nữa. Mười ván đã mất bốn, Chu rơi vào tình thế vô cùng khắc nghiệt. Khán giả đến càng đông hơn vào ngày thứ ba để xem Chu có thể xoay chuyển càn khôn, trùng hiển hùng phong đuợc không. Trong cái không khí nặng nề, căng thẳng trước trận thứ 5, Đổng Văn Uyên bổng xoè lòng bàn tay ra đưa ngay trước mặt Chu, trên đó ghi năm chữ : ” Thề chém Chu Đức Dũ !”.
Đại phàm tuyệt đỉnh cao thủ truớc khi giao chiến luôn phải giữ tâm thái bình yên, nếu tâm thần bị giao động thì chưa đánh cũng đã rơi vào thế hạ phong rồi. Là tay cờ quen dùng bàng môn tà chiêu, Đổng chơi đòn khích tướng cố ý chọc cho địch thủ điên tiết lên để thừa cơ nuớc đục thả câu. Quả nhiên Chu giận tím mặt nhưng vì trước mặt nhiều người không tiện làm lớn chuyện, nhưng cơn giận ngút trời ấy đã làm ông mất bình tỉnh, chỉ muốn “dạy cho thằng tiểu tử một bài học” cho biết tay ( Chu lớn hơn Đổng mười mấy tuổi ) . Nhưng giận quá mất khôn, Chu bực bội trong nguời và nóng lòng muốn ” thịt” thằng tiểu tử vô lễ nên nuớc đi không đuợc liên hoàn , đã bị thua ván thứ 5 dễ dàng và ván 6 lại rơi vào thế bị động; trong lúc khó khăn Chu đi nước X2 tấn 4 ( lúc bấy giờ dùng ngón trỏ đẩy Xe chứ không bốc con cờ), đến nơi phát hiện không ổn liền kéo lùi lại một nấc (tấn 3).
Đổng không chờ phản ứng của trọng tài, liền quay đầu về phía nhân viên treo cờ trên bảng la lớn : Xe 2 tấn 4 ! Treo lên mau ! Treo lên mau !
Chu nạt Đổng: “Mày la om sòm cái gì, trọng tài chưa lên tiếng mày quyền gì bắt tao phải đi Xe tấn 4 ?” Hai người không ai nhượng ai cứ la rùm beng lên. Đúng ra Chu lỗi, nếu Đổng yêu cầu trọng tài xử lý thì tất Chu phải tấn 4, nhưng vì không tôn trọng quyền quyết định tối cao của người phán quyết , nên trọng tài cũng để mặc họ làm gì thì làm. Cuối cùng Ông Hà Lỗ Âm, tổng trọng tài phải ra mặt khuyên giải ,trưng cầu đuợc sự đồng ý của Đổng để Chu đi tấn 4.
Tưởng sự việc đã êm xuôi, nhưng Chu vẫn còn ấm ức chuyện Đổng chọc giận mình truớc đó , chỉ thẳng vào mặt Đổng nói: "Mày là thằng thiếu phẩm hạnh, tao không muốn đánh với mày nữa !”
Thế là khẩu chiến lại bùng nỗ, càng dữ đội hơn trước. Cũng may nhờ sự điều giải của Ông Hà, nếu không thì ngoài việc đấu “võ mồm” sẽ còn đấu thêm ” võ Thiếu Lâm” . Cuộc chiến tiếp diễn, Chu vì đã thất thế ,trạng thái tâm giao động cộng thêm sự bực tức ,nóng nảy cuối cùng thua luôn ván cờ. Là một danh thủ siêu đẳng, tiếng tăm lừng lẫy mà để thảm bại 6 ván liền là chuyện không thể tưởng tượng được! Không khí cả hội trường sôi sụt lên như vỡ chợ, mọi người bàn tán xôn xao, thật là chuyện không ngờ! Không ngờ!
Chu thua Đổng 6 ván trắng, tiếng tăm xuống dốc thê thảm chỉ trong một đêm. Sự tức giận và buồn bực đã khiến ông ngã bệnh nằm liệt giường nhiều tháng, suýt nữa là theo bước cha ông cưởi hạc quy Tây.
2. Kỳ Vương Thiếu Phẩm Hạnh:
Chu Đức Dũ lúc đó 39 tuổi đang độ sung sức, là “kỳ vương 7 tỉnh ” cũng là nhân vật số 1 kỳ đàng Hoa Nam; trong khi Đổng Văn Uyên mới tròn 20 nhuệ Khí xung thiên với danh hiệu” kỳ vương 4 tỉnh” và là tay cờ đệ nhất của Hoa Đông ( Lâm Vinh Hưng, Diệp Cảnh Hoa đã chết khi Nhật đổ bộ Thượng Hải ). Kẻ Tám Lạng ,người nửa cân, cho nên cuộc thử lửa giữa Chu và Đổng năm 1939 chẳng những là cuộc tranh tài của làng cờ Hoa Nam ,Hoa Đông, cũng là cuộc tranh hùng xem ai là bá vương thiên hạ.
Nguyên nhân nào đã khiến Chu thua thậm tệ trong giải “Tam Vương” ?Có phải vì chiêu” bẩn” của Đổng ? Không hẳn thế. Để chuẩn bị cho giải “Tam Vương”, Đổng đã nghiên cứu nhiều thế khai cuộc mới, cái mà ta thuờng gọi là phi dao, đã đánh cho Chu trở tay không kịp.
Nhà bình cờ nổi tiếng Giả Đề Thao tiên sinh đã có nhận định như sau: ” Đổng Văn Uyên khi đánh với những cao thủ Hoa Nam, Hoa Đông, Hoa Bắc thường thắng nhiều hơn là vì Đổng đã chơi những bố cục mới mẻ và giàu tính sáng tạo”. Sau này Chu Đổng có đánh thêm và Chu gỡ lại được phần nào danh dự đã mất. Chính Đổng cũng có lần công nhận cờ Chu rất cao vậy.
Cuộc khiêu chiến của Đổng với Chu dưới sự sắp xếp của Đại gia họ Trương đuợc xem là thành công vượt mức. Lúc đó Đổng ăn dầm nằm dề ở nhà Trương, mỗi tháng còn được Đại gia phát cho $100 đồng tiêu xài, tiền ăn cờ độ thuộc riêng Đổng. Cuộc sống vật chất đầy đủ, cơm no cờ đánh, tiền bạc dư thừa, Đổng quả thật là nguời rất may mắn trong thời cuộc tranh sáng tranh tối lúc bấy giờ.
Đúng ra Đổng phải tri ân người quý nhân, nhưng vì thắng lợi đã làm Ông mù quáng ,kiêu ngạo cộng thêm tiền túi rủng rỉnh nên cuộc sống bắt đầu sa đọa. Ông mê trò Đỏ Đen và thuờng xuyên lui tới nhà thổ, sau còn làm mất lòng Trương Đại gia và từ đó mất chỗ nương tựa. Phẩm hạnh tồi tệ của ông khiến làng cờ nhăn mặt, chê trách, khinh miệt.
Lần nọ, Trương đại gia sai Đổng mang chiếc nhẫn kim cương đi bán. Sau khi cầm tiền trong tay, Đổng không về nhà mà lại vào sòng bài đánh Tài Xỉu, cuối cùng làm bay luôn chiếc nhẫn hột soàn!
Thế bây giờ phải ăn nói làm sao với Đại gia đây? Đổng lại phạm thêm một sai lầm là bỏ trốn về quê. Ông không hề nghĩ đến việc có lỗi với người ta, không nghĩ đến chuyện chủ đang lo lắng chờ ông về…Mãi nhiều năm về sau khi nhắc lại chuyện này, Đổng vẫn nuối tiếc là dại dột làm mất chỗ nương thân chứ không hề tỏ sự ăn năn hối lỗi về những hành vi sai trái của mình. Ông nói: “Trương Đại gia giàu có, chiếc nhẫn không đáng gì với ông, lúc đó tôi chỉ cần nói rõ sự việc , ổng vẫn sẽ giữ tôi lại thôi!”. Đúng là con người không biết liêm sĩ là gì.
Đổng trốn về quê, lúc bấy giờ Hàn Châu và Thượng Hải đều rơi vào tay Nhật, cuộc sống người dân khổ cực. Với tư cách đệ nhất cao thủ, dù kỳ nghệ và tiếng tăm cao nhưng Đổng cũng chỉ kiếm sống tạm đủ. Sau thắng lợi chống Nhật, nền kinh tế dần dần ổn định, sinh hoạt của Đổng có phần khá hơn truớc, nhưng đã quen lối sống bệ rạc, tiêu xài phung phí, có tiền dư thì đi tìm bồng lai tiên động, nên tiền bạc cũng chẳng dư dả gì.
Thượng Hải là nơi ngọa hổ tàng long sau ngày giải phóng, nhiều danh gia cao thủ đến đây dựng lôi đài hoặc đi Giang Hồ kiếm sống. Là cao thủ hàng đầu trong “Hoa Đông Tam Hổ”, Đổng đã một thời làm mưa làm gió trên vùng đất này, thu nhập rất khả quan.
Năm 1951, một thanh niên nhà quê ốm, nhỏ người đến từ Quảng Châu, đó là Dương Quan Lân, người mà sau này được làng cờ tôn là bá chủ trong thập niên 50, 60 thế kỷ trước, đến dựng lôi đài ở Cung Văn Hóa Thượng Hải. Dương khiêu chiến Đổng trong trong bốn ván đấu với kết quả 2 thua,1 thắng, 1 hoà ( Đó là lần thua thứ hai và kể từ đó Đổng không còn cơ hội thắng Duơng nữa ).
Dương Quan Lân trở về Quảng Châu chuyên tâm khổ luyện kỳ nghệ để tính chuyện phục thù, trong khi Đổng cứ ăn chơi , ngoài việc đánh độ không nghiên cứu kỳ nghệ.
Năm 1952 Dương trở lại Thượng Hải thách đấu Đổng trên lôi đài tại Night club Michael Mei trong 10 ván đấu và thắng hơn hai ván . Từ đó bắt đầu một thời đại mới của làng cờ TQ, thời đại vàng son rực rỡ của bá vương Dương Quan Lân!
Đổng bấy giờ ba lần đánh với Tạ Tiểu Nhiên Bắc phương đều huề, so với ” Nhị Hổ” kia vẫn còn chiếm chút ưu thế, sinh hoạt cũng tương đối dễ thở. Nhưng vì tác phong cuộc sống không lành mạnh, năm 1955 ông bị đày về Hắc Long Giang lao cải vì tội ” bại hoại thuần phong mỹ tục, lường gạt đàn bà con gái” ( chắc tội chơi lường? )
Đầu thập niên 60, sau khi mãn hình Ông được thả về Chiết Giang. Gần 5 năm không đụng đến cờ nhưng không ngờ Ông vẫn đánh rất tốt . Năm 1964 đứng hạng 5 trong giải cờ vây toàn quốc. Và cũng trong giải này, Đổng chứng nào tật nấy, lại lần nữa xử dụng bàng môn tà chiêu. Vì nhân phẩm, kỳ phẩm xấu xa nên bị Thể Uỷ Tỉnh kiểm điểm phê bình và cấm dự giải từ đó. Đó là lý do ta không thấy tên Đổng trong những giải cờ tướng toàn quốc thời bấy giờ, vì với trình độ cao siêu của ông việc giựt giải không phải là chuyện không làm đuợc .Thế là một thiên tài cờ tướng, một thời vang bóng, nay đã phải đi giang hồ lang thang kiếm sống bằng cờ độ trong cuộc đời còn lại. Phải chăng đó là cái giá phải trả của người thiếu phẩm hạnh?
Tác giả (Từ Thanh Tường ) đã 6 lần phỏng vấn Đổng trong những năm từ 1991 đến 1995, ông có cái nhìn về sự rơi rụng của ngôi sao cờ Tướng này như sau : Điều kiện thiên phú cờ của Đổng rất cao được thể hiện qua lối đánh sắc bén, quỷ dị và giàu tính sáng tạo; bản tính Ông có mặt bướng bỉnh, ngang ngạnh, không chịu vào khuôn phép nên khiến kỳ nghệ Ông càng sắc sảo khi lâm chiến. Sự sa sút của Đổng khởi nguồn từ phẩm hạnh xấu, đó là do ảnh hưởng thiếu giáo dục trong xã hội cũ.
Quốc thủ cờ vây 9 đoạn Trần Tổ Đức có ghi lại một đoạn nói về Đổng trong tự truyện “Siêu Việt tự ngã” của ông như sau :” Chủ tướng Đổng Văn Uyên của đội Chiết Giang đã là cao thủ làng cờ khi vừa giải phóng, tài nghệ cờ tướng và cờ vây đều thuộc hàng nhất lưu, khó được người giỏi hai loại cờ cùng lúc như thế.”
Đổng Văn Uyên quả thật là một thiên tài về cờ. Năm 1948 ông cầm cờ đen đánh với Thích Sanh trong bốn ván cờ vây thắng cả bốn, tiếng tăm lừng lẫy một thời. Đến khi vừa giải phóng thì đã có thể đánh ngang ngửa với các Quốc thủ Lưu Đệ Hoài, Vương Ấu Thần. Ông chẳng những công lực thượng thừa, lại sở trường chấp quân, đánh độ kiếm sống là nguồn thu nhập chính. Ông là người kiêu căng ,tự cao ; nếu Cố Thuỷ Như, Lưu Đệ Hoài có thể chấp người nào đó 4 quân, ông sẽ chấp người đó thêm 1, 2 quân để cho thấy ta đây cao cờ.
Sự thật ông không đủ sức chấp nhiều như thế, nhưng ông vẫn chấp và vẫn thắng! Vì khi đánh ông đã dùng những chiêu thức “ngoài bàn cờ” để trợ lực như nói những lời chọc tức, giễu cợt, hù dọa … để đối thủ phân tâm, hoặc ca cải lương dùng ngón tay chọc thẳng vô mắt mũi người ta, hoặc hít thuốc phà khói vào mặt đối phương … Nói chung dùng đủ thập bát ban võ nghệ để làm rối tư duy địch thủ, chỉ cầu đạt mục đích bất chấp thủ đoạn
Cuối đời ( 70 tuổi ) của Đổng rất khổ cực, không bà con bạn bè, một mình lẻ loi , được hội người già thâu nạp tạm có chỗ dung thân. Ông thường mang theo bộ cờ ra công viên bày cờ thế để kiếm chút cháo. Gặp công an thì tìm chỗ nấp, nếu bị bắt cũng chỉ vứt cờ xuống Hồ Tây, người ta cũng chẳng làm khó ông già tứ cố vô thân này làm chi.
Kỳ hữu ở quê nhà sợ ông như sợ ma quỷ, kính nhi viễn chi, ai cũng xa lánh. Khi hỏi có nên giúp đỡ gì ông không thì hầu như ai cũng lắc đầu. Bụng làm dạ chịu chớ có trách than!
Nửa thế kỷ đã qua đi, trăng Tây Hồ tròn rồi khuyết , liễu Tây Hồ vàng rồi lại xanh, nhưng ông già Đổng Văn Uyên của Hàn Châu không còn trở lại nữa, ông đã ra đi trong sự âm thầm, lặng lẻ không ai nuối tiếc !
Mặc dầu phẩm hạnh Đổng Văn Uyên không tốt, nhưng tại Hồng Kông lại có một số người rất sùng bái kỳ nghệ ông. Vài năm trước có người đến từ Hồng Kông đã gom được 200 ván cờ của Đổng và tính tự bỏ tiền ra in lại để lưu truyền hậu thế. Năm 2007 Nhật báo Thiên Thiên của HK đã cho in lại nguyên trang 6 ván đấu của Đổng trong giải ” Bốn Tỉnh Hoa Đông 1937″ với tiêu đề :” Những ván đấu tuyệt vời của danh thủ Đổng Văn Uyên 70 năm về trước “, có thể nói rằng đó là một sự hồi báo nho nhỏ dành cho sanh nhai kỳ nghệ của Đổng vậy. Dù sao đi nữa Đổng cũng là danh thủ của một thời đại, lịch sử cờ tướng phải ghi lại cống hiến của ông, còn công hay tội thì chờ sự đánh giá của hậu thế . HẾT
Lúc Đổng được thả tù, trên đường về quê đi ngang Bắc Kinh đã đại chiến với danh thủ Kinh Hoa Lưu Văn Triết một ván cờ long trời lỡ đất; dù nhiều năm trong tù không chơi cờ nhưng ông phong độ không suy giảm, vẫn ra tay nhanh như chớp, chiêu thức quỷ dị cùng diễn dịch nên danh cục bất hủ này.