Nhập "sát" trong cờ tướng, nếu như chỉ nhìn nhận từ góc độ sử dụng quân, thì có thể chia thành bốn loại chiến thuật là Đổi quân "sát" cục, Thí quân "sát" cục, Mưu tính ăn quân "sát" cục, Điều động quân "sát" cục. Nhưng một "sát" cục hay, thường cần phải vận dụng tổng hợp nhiều loại tổ hợp chiến thuật mới có thể hoàn thành được, dĩ nhiên việc hoàn thành một "sát" cục phải dựa vào một loại chiến thuật "sát" pháp nào đó là chính.

Đổi quân sát cuộc là một thủ đoạn chiến thuật quan trọng mà các kỳ thủ thường xuyên sử dụng trong thi đấu thực chiến.
Từ "đổi quân" ở đây – ngoại trừ việc đổi quân ở cùng một binh chủng có giá trị tương đương nhau – còn bao gồm những chiến thuật khác nhau như liên tục đổi quân ở những binh chủng khác nhau, hoặc đổi quân không liên tục, bỏ trước lấy lại sau hoặc lấy trước bỏ sau v.v... Chỉ cần việc đổi quân của hai bên về cơ bản có giá trị tương đương nhau là được, và do đó mà hoàn thành sát cuộc, đều theo thói quen gọi là đổi quân sát cuộc.

Chiến thuật đổi quân có những phương thức cụ thể như đổi quân để giành thế, đổi quân chiếm lĩnh vị trí, đổi quân để dẫn dụ, đổi quân để di chuyển, đổi quân để chặn quân, đổi quân để đột phá, đổi quân để liên tục chiếu Tướng nhập sát v.v...

Trong thực chiến, khi thực hiện chiến thuật đổi quân sát cuộc thì kỳ thủ phải xem xét kỹ cuộc thế và tính toán chuẩn xác, như vậy mới có thể bảo đảm không có sai lầm, việc vận dụng chiến thuật mới có thể thành công.

Thí quân sát cuộc là chiến thuật lấy việc hy sinh một quân - hoặc thậm chí là nhiều quân – để đạt được mục đích bắt Tướng đối phương. Cách thức thường thấy là thí quân để dẫn dụ, thí quân để xê dịch, thí quân để bịt đường, thí quân để ngăn chặn, thí quân để giành thế, thí quân để đột phá, thí quân để liên tục chiếu hết. Mặc dù những cách thức này khác nhau nhưng mục đích của chúng là giống nhau, đó chính là giành được thắng lợi toàn cuộc.

Gọi là thí quân, tức là vì lợi ích toàn cuộc ở trong thực chiến, có khi phải chủ động "tặng" đối phương ăn quân của mình ; có khi phải hy sinh quân có giá trị cao của mình đổi lấy quân có giá trị thấp của đối phương ; cũng có khi phải để quân của mình trước miệng đối phương mà không thèm để ý đến, mặc kệ cho đối phương ăn nó.

Trước khi thực hiện chiến thuật thí quân sát cuộc, kỳ thủ cần phải tiến hành phân tích toàn diện đối với cuộc cờ đó, tính toán một cách chuẩn xác, cố hết sức không để sơ sót. Có như vậy mới tránh được nước cờ giả, nước sót, mới có thể ổn định nắm chắc phần thắng.

Đọc thêm...